Liên kết phát triển công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ là ngành sản xuất tỉnh Ðồng Nai đang ưu tiên mời gọi đầu tư đối với cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhận thức rõ về các hạn chế so với các doanh nghiệp FDI trong việc tham gia chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất, hiện các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực liên kết cùng nhau phát triển.
Có cơ hội nhưng khó chen chân

Nhu cầu sử dụng linh kiện, thiết bị công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp FDI là rất lớn song để trở thành đối tác tin cậy của họ không phải là chuyện đơn giản đối với phần đông doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Ðó là đúc kết của ông Lê Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ðại Á Thành, một doanh nghiệp có nhiều năm cung cấp các sản phẩm cho các công ty Nhật Bản. Sản phẩm mà Ðại Á Thành sản xuất là dây điện và các chi tiết nhựa, bo mạch cho máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt… Khách hàng chính hiện nay của Ðại Á Thành là Công ty Sanyo Việt Nam và một số công ty Nhật Bản khác chuyên về sản phẩm điện lạnh, điện gia dụng. “Mỗi một linh kiện đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao. Từng chi tiết phải được sản xuất theo đúng yêu cầu của khách hàng, nếu không sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm đã hoàn thành của doanh nghiệp nước ngoài”, ông Minh nói.

trang7_200716_1.jpg
Quảng bá sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại lễ thành lập chi hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Cũng theo ông Minh, năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước còn hạn chế, chưa tiếp xúc được với các doanh nghiệp FDI, bên cạnh đó, phần nhiều còn giữ thói quen, phương thức làm ăn cũ nên có rất ít cơ hội để làm nhà thầu phụ cho doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Lê Giang Nam, Phó phòng Kế hoạch – tài chính, Sở Công thương, đến nay, quy mô công nghiệp hỗ trợ ở Ðồng Nai vẫn còn nhỏ, chủng loại đơn điệu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp chính yếu. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ còn thấp, chủ yếu là gia công và lắp ráp cụm linh kiện, sản xuất sản phẩm đơn giản là chính. Công nghiệp hỗ trợ sản xuất ra nguyên, vật liệu như sắt, thép, kim loại màu, cao su kỹ thuật, nhựa kỹ thuật, da, bông… chưa phát triển, chủ yếu phải nhập khẩu. Ðiều này dẫn đến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước chiếm rất nhỏ cả về số lượng và quy mô, trên địa bàn chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Những năm gần đây, có những dự án FDI về công nghiệp hỗ trợ vốn từ vài chục đến hàng trăm triệu USD đã chọn Ðồng Nai để đầu tư, như: Công ty TNHH Hyosung Ðồng Nai (Thổ Nhĩ Kỳ) với vốn đầu tư 660 triệu USD, sản xuất sợi vải; Tập đoàn Kenda (Ðài Loan) đầu tư thêm nhà máy sản xuất vỏ lốp xe ô tô, xe máy, xe đạp tổng vốn 160 triệu USD; Công ty TNHH SMC Manufacturing Việt Nam (Nhật Bản) có vốn gần 112 triệu USD sản xuất các thiết bị điều khiển tự động, các loại xi lanh, van, cụm van…

“Vấn đề của doanh nghiệp Việt hiện là khó tiếp cận và tham gia vào hệ thống sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các tập đoàn lớn do thiếu thông tin cũng như năng lực sản xuất chưa đáp ứng các yêu cầu của nhà lắp ráp. Công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chính yếu vẫn chưa tìm được mối liên kết với nhau để hướng tới chuyên môn hoá và hợp tác hóa trong sản xuất. Tuy nhiên, chính điều này lại đang là một cơ hội rất lớn cho các nhà sản xuất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu biết nắm bắt cơ hội”, ông Nam nói.

Tỷ trọng tăng trưởng công nghiệp hỗ trợ giảm 
Theo Sở Công thương, đến cuối năm 2015, ngành công nghiệp hỗ trợ có 259 doanh nghiệp hoạt động, chiếm 23,9% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, giảm 2,8% so với năm 2010. Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn chủ yếu là do các doanh nghiệp FDI đầu tư, chiếm tỷ trọng lớn cả về số lượng và quy mô sản xuất. Các doanh nghiệp trong nước chiếm rất nhỏ cả về số lượng và quy mô, chỉ có khả năng sản xuất một số sản phẩm đơn giản.

Liên kết tạo động lực phát triển

Theo Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Ðồng Nai Châu Minh Nguyện, Ðồng Nai hiện có khoảng 260 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kể cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Vì năng lực doanh nghiệp trong nước còn hạn chế nên để có thể cạnh tranh cần phải biết liên kết dọc và liên kết ngang trong quá trình sản xuất, kinh doanh. “Liên kết dọc là từng doanh nghiệp có thể hợp tác để sử dụng sản phẩm của nhau, rút ngắn thời gian giao hàng khi có cơ hội làm ăn. Liên kết ngang là phải dựa vào các hội, hiệp hội ngành nghề để tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao lưu cùng các đối tác nước ngoài”, ông Nguyện nói.

Một trong những hình thức liên kết ngang đó đã được Hội Doanh nhân trẻ Ðồng Nai hình thành, khi thành lập Chi hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào ngày 8-7 vừa qua. Ðây là Chi hội doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ đầu tiên trong cả nước với 14 thành viên là những doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các nhà máy sản xuất trong và ngoài các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn do ông Lê Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ðại Á Thành làm Chi hội trưởng. Chi hội sẽ trở thành nơi để các doanh nghiệp trao đổi cơ hội hợp tác làm ăn, tìm kiếm khách hàng để cùng nhau mở rộng thị trường, thông qua đó có những kiến nghị kịp thời với địa phương trong việc hỗ trợ nhu cầu của doanh nghiệp. 

Phó giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư Phạm Việt Phương nhận định, đây là bước đi đúng đắn để các doanh nghiệp Ðồng Nai nâng cao hiệu quả cạnh tranh. Theo ông Phương, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh có trên 1.600 doanh nghiệp mới được thành lập, trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong những năm tới, Ðồng Nai tiếp tục là địa phương có nhiều doanh nghiệp FDI vào làm ăn nên nhu cầu về nguyên vật liệu, thiết bị hỗ trợ rất lớn là cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt.

Xây dựng gian hàng quảng bá sản phẩm
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi hội phó Chi hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Giám đốc Công ty TNHH hàng công nghiệp Việt Thanh cho hay, ngay sau khi thành lập, Chi hội sẽ xây dựng ngay 1 gian hàng để giới thiệu sản phẩm của các hội viên. Gian hàng này đặt trong khuôn viên của Ban quản lý các khu công nghiệp và dự kiến sẽ khai trương vào tháng 8 tới. “Đây vừa là nơi làm việc, vừa là nơi trưng bày sản phẩm để khi các doanh nghiệp FDI đến tìm hiểu môi trường đầu tư thì lãnh đạo tỉnh cũng như Ban quản lý các khu công nghiệp sẽ giới thiệu cho họ về tiềm năng của doanh nghiệp trong nước”, ông Bình nói.

Theo Vương Thế/Báo Lao Động ĐN