Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Cần triển khai rộng rãi và thực chất hơn

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN) đã được thực hiện lâu nay nhưng chất lượng hỗ trợ pháp lý chưa cao, đặc biệt đối với các DN nhỏ và vừa. Bên cạnh các vấn đề về tiềm lực vốn, công nghệ, thương hiệu… thì vướng mắc, hạn chế về pháp lý cũng là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của DN.

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề pháp lý cần được gỡ vướng. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (thành phố Long Khánh). Ảnh: V.Gia
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề pháp lý cần được gỡ vướng. Trong ảnhSản xuất tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (thành phố Long Khánh). Ảnh: V.Gia

Những hạn chế nói trên đặt ra vấn đề cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực thực thi cho cả người hỗ trợ và người được hỗ trợ pháp lý. Việc hỗ trợ pháp lý càng cần thiết trong bối cảnh DN rất dễ bị tổn thương trước những biến động về chính sách.

* Nhu cầu tư vấn pháp lý rất lớn

Tại Hội thảo về Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa năm 2024 được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13-5, Phó cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa thông tin, 97% DN Việt Nam là nhỏ và vừa, hơn 62% DN trong số đó là siêu nhỏ. Những DN này hạn chế về nguồn lực, thường chú trọng vào sản xuất, kinh doanh mà chưa có giải pháp phòng ngừa rủi ro pháp lý, khả năng chống chịu rủi ro pháp lý hạn chế. Nhận thức của DN về các vấn đề pháp lý còn hạn chế, mô hình tổ chức còn nhỏ dẫn đến thiếu nguồn lực đảm bảo cho công tác pháp lý của DN. Hầu hết DN này không có bộ phận pháp chế chuyên trách, không có kinh phí để thuê đơn vị tư vấn luật chuyên nghiệp.

Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp Đồng Nai (Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai) Nguyễn Duy Khương chia sẻ, câu lạc bộ đang hướng hoạt động tập trung vào các dự án khởi nghiệp tiềm năng và thiết thực của các địa phương. Trên cơ sở đó, hướng dẫn các DN nhỏ, siêu nhỏ hoạch định chiến lược kinh doanh, tài chính và rủi ro do ảnh hưởng của tình hình suy thoái nền kinh tế; đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng Chương trình Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc nhằm tìm kiếm các nhân tố tích cực.

Theo Kế hoạch Hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa năm 2024 của UBND tỉnh, nhiệm vụ chính là rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho DN; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hỗ trợ pháp lý, khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của DN và giải đáp pháp luật cho DN.

Theo ông Khương, Đồng Nai đã và đang là điểm đến để các DN hình thành, phát triển. Mặc dù vậy, các DN khởi nghiệp rất lỏng lẻo và nhiều nỗi lo về pháp lý nên mong muốn được hướng dẫn để làm đúng ngay từ đầu, tránh nảy sinh những rắc rối không đáng có bởi chi phí tuân thủ pháp lý đang là một phần “gánh nặng” của DN.

Vai trò của DN ngoài nhà nước, khu vực DN nhỏ rất quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đây là lực lượng yếu hơn cả về nội lực và ngoại lực. Chính phủ đã có chương trình về phát triển DN, theo đó, phấn đấu có ít nhất 2 triệu DN vào năm 2030. Với số lượng ngày càng đông đảo như vậy, việc triển khai, phổ biến pháp lý đến cộng đồng DN lại càng trở nên cấp thiết.

* Cần các giải pháp đi vào thực chất

Nhu cầu về tư vấn, hỗ trợ pháp lý của DN rất nhiều, song họ lại chưa tiếp cận được như mong muốn. Trong bối cảnh hệ thống văn bản pháp luật liên tục thay đổi, điều chỉnh, bổ sung, rất cần xây dựng đội ngũ trợ giúp pháp lý DN nhằm để họ hiểu đúng, đủ và tuân thủ pháp luật liên quan đến kinh doanh.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện, trên địa bàn tỉnh có các hội, hiệp hội DN - là những đầu mối, cánh tay nối dài để giúp Nhà nước đồng hành cùng DN. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền từ cơ quan quản lý đến DN, thông qua hiệp hội chưa được xuyên suốt. Ngay cả Hiệp hội DN Đồng Nai thường không nhận được các thông báo, thông tin từ các cơ quan về các văn bản, thay đổi chính sách. Chuyện là hiệp hội không nằm trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, không phải hội đặc thù mà là hội ngành nghề. Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa được ban hành năm 2019 đã đề cập việc xây dựng mạng lưới tư vấn viên để hỗ trợ DN, nhưng đến nay các hiệp hội, DN rất khó để biết mạng lưới tư vấn viên ở đâu, hoạt động ra sao để liên lạc khi cần.

Tương tự, Phó giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp, Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Thanh Chung nhận định, việc tiếp cận các chương trình, đề án hỗ trợ pháp lý cho DN vừa và nhỏ đang là khâu yếu. Dù thực tế các chương trình, nghị định về hỗ trợ pháp lý cho DN đã được ban hành và có hiệu lực từ nhiều năm trước nhưng công tác tuyên truyền, phổ biến đến DN quá chậm hoặc bị đứt đoạn, thông tin không đến được với đối tượng cần được hỗ trợ.

Cuối tháng 4 vừa qua, Đoàn Luật sư Đồng Nai đã ra mắt Câu lạc bộ Luật sư pháp chế DN. Luật sư Trần Văn Khanh, Chủ nhiệm câu lạc bộ, chia sẻ bước đầu đã có sự quan tâm nhất định của các DN trên địa bàn. Câu lạc bộ hướng tới tập hợp các luật sư, người làm công tác pháp chế tại DN, chủ DN và những người yêu thích, tâm huyết, quan tâm pháp luật về DN. Thông qua các hoạt động sẽ tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ pháp lý, phòng tránh rủi ro pháp lý trong tư vấn, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị DN…

 Theo Văn Gia/Báo Đồng Nai