Đồng Nai quy hoạch phát triển 9 vùng nông nghiệp sử dụng công nghệ cao

Chiều 31/10, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì buổi làm việc với Hội đồng Quy hoạch tỉnh.

Tại hội nghị, Hội đồng Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã nghe báo cáo về ba phương án: phát triển nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai và thích nghi với biến đổi khí hậu, cũng như bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong khuôn khổ Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Các phương án được trình bày với ba phần: tóm tắt tình hình hiện tại, mục tiêu đề ra, và các giải pháp cụ thể.

Về nông nghiệp, đơn vị tư vấn đã đề ra mục tiêu tăng trưởng trong khoảng 2,8-3% và hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp sẽ chiếm 6% tỷ trọng trong tổng nền kinh tế. Đặc biệt, kế hoạch bao gồm việc phát triển 9 vùng nông nghiệp sử dụng công nghệ cao và 8 vùng nông nghiệp hữu cơ. Giải pháp mà các đơn vị đề ra là tổ chức không gian sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và thu hút đầu tư các dự án đầu tư sản xuất, chế biến.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức phát biểu kết luận hội nghị ảnh 1

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức phát biểu kết luận hội nghị

Đối với kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, ưu tiên đặt ra là đảm bảo cung cấp và thoát nước hiệu quả để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, mục tiêu là nâng cao khả năng phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu cần đầu tư xây dựng mới cũng như nâng cấp các công trình thuỷ lợi, kênh mương nội đồng để đảm bảo nguồn cho việc sản xuất, sinh hoạt.

Trong phương án bảo vệ môi trường, đơn vị tư vấn đã đề xuất chia thành 4 vùng bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó vùng sông Đồng Nai được coi là trọng tâm. Ngoài ra, có 5 vùng được xác định là vùng hạn chế phát thải. Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cần giữ nguyên diện tích rừng, khai thác bền vững các giá trị.

Tại buổi làm việc, có 7 ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng mà trọng tâm là phải đánh giá đúng thực trạng cũng như đưa ra lộ trình để đạt được mục tiêu cụ thể đối với 3 phương án.

 

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đề nghị các thành viên Hội đồng cũng như lãnh đạo các sở ngành tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến và đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn thiện phương án.

Về đồ án quy hoạch tỉnh, dự kiến vào ngày 2/11, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và đơn vị tư vấn đồ án quy hoạch sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh Uỷ để xem xét và lắng nghe ý kiến góp ý từ Ban Thường vụ Tỉnh Ủy.

Sau khi tiếp thu và cập nhật các ý kiến góp ý, UBND tỉnh sẽ cập nhật đồ án quy hoạch và trình hồ sơ lên Hội đồng Thẩm định Quốc gia để được kiểm tra và xác nhận. Khi đồ án được thông qua, UBND tỉnh sẽ hoàn chỉnh hồ sơ và trình HĐND tỉnh để được xem xét và thông qua. Khi có nghị quyết từ HĐND tỉnh, UBND tỉnh sẽ lập tờ trình và gửi Hội đồng Thẩm định Quốc gia để được Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt.

Quy trình này đòi hỏi nhiều bước và công việc phối hợp, các sở, ngành và địa phương cần hỗ trợ cung cấp thông tin và dữ liệu cần thiết. Các thành viên của hội đồng cũng cần hợp tác chặt chẽ với đơn vị tư vấn để hoàn thiện nội dung và đảm bảo tuân thủ quy trình.

Theo Thiên Phúc/PLVN