Để phụ nữ không nặng gánh hai vai

Cùng với sự phát triển của xã hội, người phụ nữ ngày nay có nhiều cơ hội để nâng cao vị thế của mình. Bằng những nỗ lực cá nhân, không ít chị em đã phát huy được khả năng của mình, đóng góp trí tuệ và sức lực cho cộng đồng.


Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ, khuyến khích của xã hội, trên bước đường vươn tới sự thành đạt trong xã hội, phụ nữ vẫn phải đối mặt với những áp lực và những quy chuẩn văn hóa, đạo đức mang đậm dấu ấn định kiến về giới. Cách nhìn nhận đánh giá sự thành công của người phụ nữ nhiều khi chưa thật công bằng trong mối tương quan giữa hai giới.

Trên thực tế, để hoàn thành công việc gia đình và xã hội, người phụ nữ cần được chia sẻ và thấu hiểu rất nhiều từ những người thân của mình. Bác sĩ Trương Thu Hằng, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: “Bản thân tôi may mắn vì các con đã lớn, ông xã lại rất thông cảm cho những vất vả của vợ nên hỗ trợ hết mình trong mọi việc. Còn công việc, tuy rất bộn bề, nhưng tôi cố gắng sắp xếp để không tạo áp lực cho chồng. Những việc gì cần ưu tiên thì tôi làm trước. Những ngày nghỉ, tôi thường chỉ dành cho gia đình”.

Trong khi đó, giỏi cả việc nước lẫn việc nhà thường là đòi hỏi quá lớn ở chị em. Chị Nguyễn Thị Lan, nhân viên văn phòng của một đơn vị hành chính sự nghiệp tâm sự: “Sau một ngày làm việc 8 giờ như nhau, chiều về các ông có thể đi nhậu với bạn bè, chơi thể thao, ăn cơm tối rồi đọc báo, xem truyền hình… Trong khi đó thì chị em thường phải lo rất nhiều việc, như: đi chợ, nấu ăn, tắm rửa cho con, ngồi học với con, rửa chén, giặt giũ…”. Đã nhiều lần chị phân công công việc cho chồng, nhưng anh làm không đến nơi đến chốn nên càng khiến chị mệt mỏi thêm.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề làm thế nào để phụ nữ hài hòa trong công việc gia đình và xã hội mà không bị áp lực quá tải, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho rằng: “Chăm lo cho nhau và chăm lo cho con cái đâu phải chỉ là trách nhiệm của riêng người vợ. Trong gia đình, người đàn ông phải có trách nhiệm thương yêu những người thân của mình và chia sẻ công việc nhà với một nửa của mình. Nếu gánh nặng “hai giỏi” chỉ kêu gọi ở phụ nữ thì chưa đủ, mà cũng cần phải kêu gọi ở cả nam giới để các ông, các anh chia sẻ, cảm thông với phụ nữ, cùng cố gắng làm tròn trách nhiệm với gia đình và xã hội. Gánh nặng chia đôi, gánh nặng vơi đi một nửa – như thế không ai phải chịu sự quá tải”.

Phương Liễu