Các doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế về xuất khẩu

 

Trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt trên 8 tỷ USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng trưởng cao chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 7 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI hiện xuất khẩu sang 160 quốc gia trên thế giới.

Công ty TNHH Sowell Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch) có thị trường xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Công ty TNHH Sowell Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch) có thị trường xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Trong thực tế, các doanh nghiệp FDI phần lớn xuất khẩu hàng hóa trực tiếp. Doanh nghiệp trong nước đa số có quy mô nhỏ và vừa, ít xuất khẩu được trực tiếp mà phải qua nước trung gian.

Mạnh hơn nhiều mặt

Tại Đồng Nai, chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu là các doanh nghiệp FDI đến từ 43 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sản phẩm xuất khẩu của Đồng Nai cũng rất đa dạng, phong phú với hơn 50 mặt hàng, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực: giày dép, dệt may,  xơ sợi dệt, sản phẩm từ gỗ, máy móc thiết bị và phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm từ chất dẻo…

Những thị trường có kim ngạch lớn là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu. Xuất khẩu những năm qua xảy ra không ít “sóng gió”, song Đồng Nai vẫn giữ được mức tăng trưởng cao và là một trong những tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu lớn là nhờ doanh nghiệp FDI có tiềm lực mạnh.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty cổ phần công nghiệp chính xác Việt Nam (100% vốn Đài Loan, ở Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom), cho hay: “Sản phẩm của công ty đã xuất khẩu trực tiếp sang được hơn 10 nước trên thế giới và tiếp tục được mở rộng ra những quốc gia khác. Phía công ty liên tục đầu tư hệ thống máy móc và áp dụng những công nghệ mới, cho ra nhiều sản phẩm thiết bị máy móc chất lượng nên được khách hàng tin tưởng, đơn hàng nhận được ngày một nhiều hơn”.

Hiện doanh nghiệp đã mở thêm một nhà máy tại Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom) để đủ lượng hàng xuất khẩu theo các đơn đặt hàng lớn. Cũng theo ông Tuấn Anh, doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp trong nước trên cùng lĩnh vực mạnh hơn hẳn vì nguồn vốn dồi dào, dây chuyền máy móc hiện đại, nhà xưởng tốt, tay nghề lao động cao dễ dàng đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng. Do đó, thị trường xuất khẩu của công ty liên tục được mở rộng.

Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương, nhận xét: “Doanh nghiệp FDI đóng góp rất lớn cho xuất khẩu của tỉnh. Sở dĩ xuất khẩu của doanh nghiệp FDI cao hơn doanh nghiệp trong nước vì mạnh hơn trên nhiều lĩnh vực, như: vốn, công nghệ, xây dựng thương hiệu, lao động tay nghề cao, xúc tiến thương mại, liên kết… Vì thế mức tăng trưởng của doanh nghiệp FDI cao gấp gần 2 lần so với doanh nghiệp trong nước”.

Đa số doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành sản xuất công nghiệp đang đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh đáp ứng tốt về các tiêu chuẩn về nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, môi trường, lao động… dễ dàng “chiều theo” những yêu cầu ngày càng khắt khe của đối tác nước ngoài nên thị trường xuất khẩu ổn định và dễ dàng hơn so với nhóm doanh nghiệp trong nước.

Thua vì liên kết yếu?

Hiện khoảng 80% doanh nghiệp trong nước ở Đồng Nai có quy mô nhỏ và vừa, nguồn vốn hạn chế, việc xây dựng thương hiệu còn yếu, nhà xưởng, máy móc sản xuất chưa đáp ứng được những đơn đặt hàng lớn cũng là một trong yếu tố làm tăng trưởng xuất khẩu thấp.

Ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Cơ sở nhận được rất nhiều đơn đặt hàng lớn từ Hoa Kỳ, Đức, Pháp nhưng phải từ chối vì không đáp ứng được. Trước đây, nhiều lần cơ sở tìm những doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực để liên kết đáp ứng các đơn hàng lớn nhưng không được, nên dù rất tiếc cũng phải từ chối”.

Theo ông Nhân, liên kết trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cùng lĩnh vực rất khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng lĩnh vực thường mạnh ai nấy làm, cạnh tranh thiếu lành mạnh dẫn đến khó “lớn” nổi.

Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, nói: “Các doanh nghiệp trong nước đa phần là nhỏ và siêu nhỏ, ít xuất khẩu được trực tiếp, hầu hết phải qua nước trung gian thứ 3 nên giá sản phẩm bị đẩy lên cao, khả năng cạnh tranh thấp. Cũng vì lệ thuộc vào trung gian nên muốn mở rộng thị trường mới rất khó khăn. Điều khiến doanh nghiệp nhỏ trong nước khó lớn mạnh được là vì thiếu tính liên kết”.

Ông Nguyện dẫn chứng, không ít doanh nghiệp trong nước sau khi được tỉnh hỗ trợ xúc tiến thương mại có được đơn hàng xuất khẩu trực tiếp với số lượng lớn, lại phải từ chối vì không đủ khả năng đáp ứng. Tuy nhiên khi các hiệp hội đưa ra đề xuất những doanh nghiệp cùng lĩnh vực nên liên kết lại thì ít người hào hứng, trong khi các doanh nghiệp FDI lại làm rất tốt việc này.

Chẳng hạn, theo ông Nguyện, các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… sau khi đầu tư vào Đồng Nai, đã liên kết giới thiệu các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, cùng lĩnh vực vào đầu tư tại tỉnh để hỗ trợ nhau trong sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp cùng lĩnh vực cùng lớn mạnh, dễ dàng đáp ứng được các đơn đặt hàng lớn. Khi có những đơn hàng lớn, các doanh nghiệp có thể san sẻ cho nhau cùng sản xuất đảm bảo tiến độ giao hàng nên khách hàng ngày càng nhiều và thị trường được mở rộng.

Theo Hương Giang/ Báo ĐN