Mỗi doanh nghiệp một cách làm hay
Xác định tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, những năm qua Công ty Luật thuế kế toán Việt Á (Luật Việt Á) đã triển khai và thực hiện khá tốt văn hóa doanh nghiệp. Cùng với việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở bên ngoài như: đồng phục công sở, môi trường làm việc thân thiện, tuyên dương, khen thưởng hằng tháng, hằng quý… công ty đã xây dựng và triển khai các quy tắc về văn hóa doanh nghiệp với những giá trị cốt lõi như: trung thực, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, tinh thần tập thể và chú trọng khách hàng. Đó không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành mục tiêu hoạt động của cả công ty.
Theo Giám đốc Công ty Luật Việt Á Nguyễn Ngọc Tuấn, không phải bây giờ công ty mới thực hiện văn hóa doanh nghiệp, mà ngay từ khi thành lập, Luật Việt Á đã thực hiện dựa trên bộ quy tắc ứng xử dành cho lãnh đạo và tất cả nhân viên. “Chúng tôi xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp dựa trên tiêu chí giúp khách hàng (là chủ doanh nghiệp) an tâm về thuế, kế toán và pháp lý trong doanh nghiệp. Do đa dạng về khách hàng, nên chúng tôi luôn xác định, mối quan hệ hài hòa trong ứng xử, sự hài lòng của khách hàng là niềm vui của mình”, ông Tuấn chia sẻ.

Nhiều năm qua, hằng tuần Công ty Luật Việt Á duy trì thường xuyên các hoạt động thể thao lành mạnh trong nhân viên như tập luyện, thi đấu bóng đá, bóng chuyền; hằng quý công ty tổ chức đi sinh hoạt dã ngoại. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho nhân viên thông qua hình thức trao đổi, thảo luận để hình thành nhận thức về những giá trị cốt lõi cũng như hướng đến tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. “Văn hóa doanh nghiệp giúp nhân viên thấy rõ mục tiêu, định hướng và bản chất công việc mình làm. Văn hóa doanh nghiệp còn tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân viên và môi trường làm việc, giúp họ nhận thấy ý nghĩa của công việc. Lương và thu nhập chỉ là một phần của động lực ấy. Bởi khi thu nhập đạt đến một mức nào đó, người ta sẵn sàng “đánh đổi”, lựa chọn làm việc ở một môi trường thân thiện, thoải mái, được yêu quý và tôn trọng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Công ty Dona Travel cũng chú trọng phát triển văn hóa doanh nghiệp theo chiều sâu, nhằm tạo ra môi trường làm việc văn minh, thân thiện, cởi mở để nâng hiệu quả công việc. Giám đốc Công ty Dona Travel Bùi Thị Thu Hà cho biết, đối với lĩnh vực du lịch, thì yếu tố văn hóa doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu. Những chuẩn mực văn hóa giao tiếp của công ty được xây dựng dựa trên tiêu chí “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cám ơn, luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn giúp đỡ và luôn thấu hiểu.
“Quan điểm lựa chọn nhân sự của tôi thiên về kỹ năng hơn là bằng cấp. Tôi nghĩ, phục vụ du lịch cần có những con người có kỹ năng, đam mê và lúc nào cũng hừng hực vì công việc. Chỉ những nhân viên yêu nghề, đam mê thì mới có khả năng truyền cảm xúc cho khách hàng của mình”, bà Thu Hà nói. Ngoài việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, Dona Travel còn thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn kết nhân viên như: sinh nhật, các hoạt động vui chơi, giải trí…
Tạo dựng giá trị văn hóa doanh nghiệp
Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Phạm Thế Linh cho rằng, văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn từ văn hóa doanh nhân. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là việc tạo dựng các giá trị văn hóa bền vững và tạo ra sự khác biệt cho doanh nghiệp. Theo ông Linh, ở Đồng Nai, bên cạnh nhiều doanh nghiệp nước ngoài và một số doanh nghiệp địa phương đã thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp thì cũng có không ít doanh nghiệp chưa coi trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp. “Mỗi doanh nghiệp phải xác định rằng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là cách lựa chọn hướng đi tất yếu để phát triển và quảng bá thương hiệu cho mình, giúp người tiêu dùng ưu ái đến với doanh nghiệp nhiều hơn”, ông Linh nhấn mạnh.
Tuy đầu tư xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp cần nhiều thời gian, công sức và cả kinh phí nhưng với Công ty Luật Việt Á, văn hóa doanh nghiệp vẫn là chiến lược thực hiện “dài hơi”. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lồng ghép các nội dung cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp vào các quy định, nội quy hoạt động, ứng xử văn hóa của công ty. Từ đó, tuyên truyền, nâng cao ý thức thực hiện của nhân viên. Bên cạnh đó, chúng tôi duy trì truyền thống chăm lo đời sống cho người lao động, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, chủ động tham gia các hoạt động vì cộng đồng, góp phần thực hiện trách nhiệm xã hội…”, Giám đốc Công ty Luật Việt Á Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ.
Không có chuẩn mực hay thước đo nào quy định văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp do những con người trong doanh nghiệp quy định, đòi hỏi tất cả các thành viên đều phải thực hiện, không ngoại trừ bất kỳ thành phần, vị trí, hay bộ phận nào. Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công và đi vào thực chất, tạo sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, các doanh nhân cần có định hướng, biện pháp cụ thể, quán triệt thực hiện trong toàn thể nhân viên, người lao động. Có thể xem văn hóa doanh nghiệp là “chìa khóa” để gắn kết các mối quan hệ với nhau, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ đó, tạo dựng giá trị văn hóa bền vững của doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp không tự dưng mà có “Văn hóa doanh nghiệp không tự dưng mà có. Nó phải được bồi đắp qua một quá trình lâu dài. Một tổ chức có môi trường văn hóa doanh nghiệp tốt, ở đó sẽ có lối ứng xử nhân văn giữa mọi người với nhau. Mỗi hành vi của doanh nghiệp đều tạo nên hình ảnh của tổ chức trên thương trường, cũng như biểu hiện sự đóng góp tích cực của tổ chức trong việc bảo vệ sự trong lành của tự nhiên, thúc đẩy xã hội phát triển theo đúng định hướng của đất nước. Thực tế hiện nay, đối tác và khách hàng là “nguồn sống” của doanh nghiệp, là mục tiêu tìm kiếm của mỗi tổ chức trong cả “cuộc đời” hoạt động. Vì thế, lối ứng xử văn hóa, tạo ra mối quan hệ thân thiện, bình đẳng trên tinh thần hợp tác để cùng có lợi đang là đòi hỏi bức thiết hiện nay đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải coi thiên nhiên và xã hội như là một môi trường kinh doanh đặc biệt, coi đạo đức, lối sống là thành tố quan trọng của môi trường văn hóa doanh nghiệp. Từ đó, xây dựng hệ giá trị văn hóa, những chuẩn mực đạo đức của doanh nghiệp và các hành vi sản xuất, kinh doanh”, PGS.TS. Phạm Thanh Tâm, Trường đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ. |
Ly Na/laodongdongnai