Hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Đồng Nai: Mở ra nhiều cơ hội hợp tác

Đồng Nai luôn mong muốn thiết lập kênh kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản, nhằm giúp các doanh nghiệp có thể trao đổi ngay lập tức về các khó khăn, vướng mắc, thay vì phải chờ đợi tới các buổi đối thoại, gặp gỡ. Để thực hiện điều này, tỉnh đã thành lập Trung tâm Hành chính công, Tổng đài dịch vụ công 1022 cũng như các trang thông tin của các sở, ngành. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ nỗ lực tạo sự kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản với các doanh nghiệp Đồng Nai, từ đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, làm ăn.
Đó là phát biểu của Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp và hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Đồng Nai do UBND tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh (JCCH) phối hợp tổ chức chiều 28-8. Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh Kawaue Junichi đã tham dự. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh kết hợp tổ chức hai sự kiện cùng lúc.

Chính quyền gỡ khó cho doanh nghiệp

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp Nhật Bản thu hút sự tham gia của đại diện gần 100 doanh nghiệp. Các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến thuế, đất đai… đã được lãnh đạo tỉnh ghi nhận, giải đáp, hỗ trợ tháo gỡ. Đại diện Công ty Nagae Việt Nam cho biết, hiện nay các thắc mắc về thuế phải trao đổi qua công văn với Cục Thuế, rất mất thời gian. Bên cạnh đó, hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa tra cứu được tình hình công nợ thuế để rà soát, điều chỉnh các sai sót kịp thời. Vì vậy, Nagae mong muốn cổng thông tin của Cục Thuế thực hiện chức năng hỏi đáp giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế, cung cấp dữ liệu tra cứu công nợ thuế.

3.JPG
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, Đồng Nai đang tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu chung của tỉnh, khi hoàn thành sẽ triển khai tính năng tra cứu thuế cho doanh nghiệp trên cổng thông tin của Cục Thuế. Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Cục Thuế nhanh chóng triển khai chức năng hỏi đáp trực tuyến với doanh nghiệp.

Trong khi đó, đại diện Công ty Daikan Việt Nam cho biết đã ký hợp đồng thuê đất tại khu công nghiệp Amata từ năm 2016. Tuy nhiên đến nay, việc đấu nối đường hạ tầng 3A tại khu vực thuê đất vẫn chưa được Amata thực hiện do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Điều này khiến hệ thống điện nước của Công ty Daikan không ổn định, gây ảnh hưởng sản xuất. Trả lời vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, Đồng Nai có chủ trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng rồi mới tiếp nhận đầu tư. Vì vậy, việc Amata cho Daikan thuê đất là chưa đúng. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ siết chặt hơn nữa việc quản lý tiếp nhận đầu tư tại các khu công nghiệp. Cùng với đó, TP. Biên Hòa cần phối hợp với Amata thúc đẩy giải phóng mặt bằng tại khu vực nói trên để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp.

3a.JPG
Doanh nghiệp Nhật Bản đặt câu hỏi đối với lãnh đạo tỉnh

Đại diện Công ty Asaba Việt Nam phản ánh, hầu hết người lao động mong muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập, thậm chí không tăng ca cũng là nguyên nhân người lao động thôi việc. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị tỉnh nới lỏng quy định người lao động không được làm thêm quá 200 giờ/năm. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết điều này nằm ngoài thẩm quyền của tỉnh, nhưng hiện nay dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung đã tăng giới hạn thời gian làm thêm. Theo kế hoạch, dự thảo sẽ được trình Chính phủ vào tháng 12 năm nay và trình Quốc hội vào tháng 5-2019.

Giới thiệu về Mạng lưới điều phối viên


Tại Hội nghị giao thương, Phó trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Mai Văn Nhơn đã giới thiệu về Mạng lưới điều phối viên tỉnh Đồng Nai, được thành lập từ tháng 10-2017, gồm 10 thành viên. Đây là những người được tỉnh lựa chọn để làm công tác kết nối và hỗ trợ cho hoạt động doanh nghiệp của cả Nhật Bản và Đồng Nai, cũng như giữa doanh nghiệp với chính quyền. Vì vậy, khi có bất cứ vấn đề gì, các doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp để nhận sự hỗ trợ từ các điều phối viên.


Doanh nghiệp Nhật Bản và Đồng Nai muốn hiểu nhau hơn nữa

Tại hội nghị giao thương, đã có 35 doanh nghiệp Nhật Bản và 70 doanh nghiệp Đồng Nai tham gia giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, đây là cơ hội để các doanh nghiệp tìm hiểu nhau, từ đó tiến tới hợp tác đôi bên cùng có lợi. Khi sử dụng các nguyên liệu do doanh nghiệp Đồng Nai sản xuất, doanh nghiệp Nhật Bản có thể nâng tỷ lệ nội địa hóa để hưởng các chính sách ưu đãi. Trong khi đó, các doanh nghiệp Đồng Nai có thể tiếp cận với các công nghệ cao, quy trình hiện đại.

3b.JPG
Các doanh nghiệp tham quan gian hàng sản phẩm tại hội nghị giao thương

Chia sẻ quan điểm của doanh nghiệp Nhật Bản khi tìm kiếm đối tác, bà Bùi Mỹ Xuân, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tokoseiki Việt Nam, chuyên sản xuất quần áo, giày dép cho biết, trong quá trình hợp tác, hai bên cần chung tay giải quyết các khó khăn trên tinh thần hợp tác. Các doanh nghiệp cũng cần lắng nghe nhau và phản hồi đầy đủ khi nhận được thông tin. Theo bà Xuân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tuy khó đáp ứng tiêu chuẩn cao của doanh nghiệp Nhật Bản nhưng có lợi thế là có thể giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh so với doanh nghiệp lớn.

Ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP An Phú Thịnh, chuyên sản xuất găng tay, thiết bị bảo hộ, cũng chia sẻ kinh nghiệm khi đã từng bán hàng cho hơn 30 doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Tuấn cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu rất cao đối với việc tuân thủ về thời gian và đòi hỏi quá trình cải tiến liên tục. Dù yêu cầu khó khăn nhưng hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mang đến cơ hội phát triển lớn cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng.

Bà Bùi Thị Duyên, Phó giám đốc Công ty CP Đồng Thắng, chuyên kinh doanh túi vải, bao bì nhựa, cho biết, công ty chưa có kinh nghiệm trong làm ăn với doanh nghiệp Nhật. Vì vậy, bà Duyên cho biết hội nghị giao thương lần này là cơ hội lớn để tìm hiểu về các doanh nghiệp Nhật Bản và kỳ vọng sẽ có thêm các đối tác trong thời gian tới.

Ông Shohei Kuga, Giám đốc Công ty YKK Việt Nam, chuyên sản xuất dây kéo, kiêm Trưởng nhóm Đồng Nai của JCCH cho biết, hiện nay có quá ít các sự kiện kết nối giữa doanh nghiệp Nhật Bản với các đối tác tiềm năng từ Đồng Nai. Vì vậy, ông hy vọng các sự kiện tương tự sẽ được nhân rộng trong thời gian tới. Ông Kuga nhận định triển vọng hợp tác giữa hai bên là rất tươi sáng và doanh nghiệp Đồng Nai có thế mạnh trong việc thực hiện các công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. 

Doanh nghiệp Nhật Bản tạo việc làm cho hơn 63.000 lao động 


Đến nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư hơn 240 dự án vào Đồng Nai với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 43 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh. Các doanh nghiệp Nhật Bản tạo việc làm cho hơn 63.000 lao động và đóng góp không nhỏ vào ngân sách của tỉnh.


Theo/Đắc Nhân laodongdongnai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *