Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai: Liên kết cùng phát triển

Thông qua hợp tác kinh doanh, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ðồng Nai đã liên kết tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của nhau. Những hợp đồng ký kết mua bán hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dệt may, trang thiết bị, sản xuất bao bì; sản phẩm cơ khí… mang lại lợi ích thiết thực khi được hưởng giá ưu đãi và tận dụng được lợi thế của mỗi bên để bổ sung cho nhau.
Từ thực tế đó, Hội Doanh nhân trẻ Ðồng Nai đã phát động chương trình mua hàng của nhau đến các hội viên nhằm tạo thêm cơ hội kết nối, làm ăn giữa các doanh nghiệp thành viên.

Đôi bên cùng có lợi

Vừa đặt mua lô hàng áo đồng phục cho công nhân sản xuất từ nhà cung cấp là Công ty CP An Phú Thịnh (huyện Long Thành), bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Ngọc Thanh Phước (TP. Biên Hòa) cho hay, so với mua trên thị trường, doanh nghiệp được giảm đến 50% chi phí do cùng là thành viên trong Hội Doanh nhân trẻ Ðồng Nai. “Tính ra so với mua trên thị trường, chi phí giảm đáng kể. Tuy nhiên, do lần đầu hợp tác nên số lượng đặt hàng chưa nhiều, chỉ vài trăm bộ đồng phục nhưng nếu sản phẩm tốt thì kể từ nay chúng tôi sẽ mua hàng của An Phú Thịnh cho công nhân sử dụng”,  bà Tuyến cho hay.

t7_111017_1.jpg
Các doanh nghiệp thành viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của Chi hội doanh nghiệp hàng công nghiệp phụ trợ Đồng Nai

Ở chiều ngược lại, ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long chuyên sản xuất găng tay cao su dành cho thị trường trong nước và xuất khẩu lại có nhu cầu mua túi đựng để đóng gói sản phẩm và Công ty Ngọc Thanh Phước của bà Tuyến nắm bắt được nhu cầu này. “Ngoài mua hàng của Công ty Ngọc Thanh Phước, chúng tôi còn sử dụng sản phẩm của Công ty TNHH hàng công nghiệp Việt Thanh. Bên cạnh đó, nguyên liệu để sản xuất găng tay cũng rất cần và sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp trong tỉnh”, ông Long khẳng định.

Bà Kim Tuyến cho biết thêm, mỗi năm Công ty Ngọc Thanh Phước sản xuất trên 2.000 tấn sản phẩm bao bì các loại như: túi đựng tủ lạnh, quần áo, linh kiện điện tử, màng nhà kính… nên có thể cung cấp số lượng lớn cho các đối tác là thành viên trong Hội Doanh nhân trẻ với giá ưu đãi. “Thay vì đưa sản phẩm đến các nơi khác trưng bày, chào hàng vừa tốn thời gian, chi phí thì tại sao không tận dụng cơ hội hợp tác giữa các thành viên trong Hội với nhau, vừa tiêu thụ được hàng hóa lại vừa hỗ trợ nhau cùng phát triển. Mới đây chúng tôi cũng đã ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm cho một đối tác mà trước đó họ phải mua hàng cùng chủng loại với giá cao hơn nhiều so với giá bán ra của chúng tôi. Khi các bên cùng ngồi lại với nhau thì kết quả sẽ rất ấn tượng”, bà Tuyến nhận định.

Sự liên kết, hợp tác đó cũng được thấy rõ ở Nam Châu Sơn Group, một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề tại TP. Biên Hòa.Tháng 6 vừa qua, Công ty CP thực phẩm Nam Châu Sơn (thuộc Nam Châu Sơn Group) đã ký kết hợp tác với hơn 10 doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp sản phẩm nông nghiệp để hình thành nên chuỗi thực phẩm sạch quy mô. Theo bà Trần Thị Châu Loan, Chủ tịch HÐQT Nam Châu Sơn Group, Công ty CP thực phẩm Nam Châu Sơn đang liên kết bán khoảng 700 mặt hàng thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng từ những trang trại sản xuất theo mô hình GAP ở các tỉnh: Ðồng Nai, Ninh Thuận, Lâm Ðồng, Tây Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu. “Nam Châu Sơn Group sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để nhằm mục đích đưa thực phẩm sạch tới tay người tiêu dùng ”, bà Loan cho hay.

Khuyến khích các thành viên trong Hội cùng tham gia

Nhận thấy lợi ích thiết thực từ chính sách sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau nên Hội Doanh nhân trẻ Ðồng Nai đang kêu gọi các thành viên đẩy mạnh phong trào này. Ông Ðặng Văn Ðiềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Ðồng Nai cho hay, hiện Hội đã kết nạp được hơn 300 hội viên. Ðây đều là những ông chủ các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, việc kết nối, tạo cơ hội kinh doanh sẽ dễ dàng hơn so với khi hợp tác, làm ăn với bên ngoài.

Theo ông Ðiềm, lợi ích rõ ràng từ việc hợp tác được chính các doanh nghiệp thừa nhận và nó đóng góp một phần quan trọng vào việc giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận hoặc doanh thu cho các bên. Thông qua tổ chức Hội Doanh nhân trẻ Ðồng Nai, nhiều doanh nghiệp không chỉ tìm kiếm đối tác mới, mà còn hướng đến xây dựng mối quan hệ làm ăn lâu dài, ổn định, chú trọng gây dựng lòng tin ở nhau. Các doanh nghiệp thành viên cũng quan tâm mở rộng sản xuất hướng đến nhu cầu đa dạng của đối tác thay vì chỉ cung cấp các mặt hàng truyền thống của mình. “Hội kêu gọi và sẵn sàng làm cầu nối để các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng những mặt hàng của nhau có thể hợp tác, vừa phát triển sản xuất kinh doanh của bản thân từng doanh nghiệp vừa tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên trong Hội”, ông Ðiềm cho hay.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chi hội phó Chi hội hàng công nghiệp phụ trợ (Hội Doanh nhân trẻ Ðồng Nai), Giám đốc Công ty TNHH Việt Thanh cho biết thêm, khi tham gia vào chương trình này, các hội viên mua hàng hóa của nhau sẽ được giảm ít nhất 20% giá sản phẩm so với ngoài thị trường. Bên cạnh đó, thông qua các gian hàng triển lãm tại các cuộc triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại, đối thoại với doanh nghiệp khối FDI thì doanh nghiệp trong tỉnh cũng có cơ hội thâm nhập và cung cấp sản phẩm cho những doanh nghiệp nước ngoài. “Việc tiêu thụ hàng hóa chéo của nhau ngoài tác dụng tạo sự kết nối, hợp tác làm ăn giữa các thành viên trong Hội doanh nhân trẻ Ðồng Nai còn là hưởng ứng chương trình sử dụng hàng Việt trong sản xuất, kinh doanh thay cho hàng nhập khẩu mà cả nước đang thực hiện”, ông Bình nhận định.

Theo/Vương Thế/laodongdongnai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *