Đón nhận “làn sóng” cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) không còn chỉ là một khái niệm mà đã và đang diễn ra và tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Ngoài việc mang đến những cơ hội đột phá, CMCN 4.0 đang đặt ra những thách thức đối với người lao động, đòi hỏi sự thay đổi để đón nhận làn sóng mới.


Bài 1: Người lao động trước thách thức thời 4.0


Cuộc CMCN 4.0 được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, đặc biệt là lao động có trình độ thấp với nguy cơ bị máy móc thay thế. Đây cũng là xu thế bắt buộc người lao động phải  nắm bắt, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu công việc.
Nguy cơ bị máy móc thay thế

Theo báo cáo của tổ chức Lao động quốc tế ILO, 86% số người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao do tự động hóa. Trong khi đó, 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện – điện tử có thể sẽ bị thay thế bởi robot. Một thống kê khác cũng cho thấy, trong số 2,8 triệu công nhân lao động trong khu công nghiệp, có đến 80% lao động chưa qua đào tạo, làm công việc giản đơn, là đối tượng có nguy cơ bị máy móc thay thế. Những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là: công nhân nhà máy (44%); nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%); nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%). 5 nghề không bị robot thay thế là: luật sư, nhà báo, nông dân, bác sĩ, nhà nghiên cứu.


 Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, những yếu tố mà các nước đang phát triển như Việt Nam coi là có ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, chi phí thấp sẽ không còn là thế mạnh. Theo TS. Bùi Quang Xuân, giảng viên Học viện Chính trị – hành chính quốc gia, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học công nghệ Đồng Nai, CM 4.0 được dự báo sẽ biến đổi cách sống, làm việc và giao tiếp của toàn nhân loại theo cách hoàn toàn mới: “Đối với lực lượng lao động, không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị kiến thức mới. Tất nhiên lao động Đồng Nai cũng không đứng ngoài những thay đổi đó. Đó là những yêu cầu lớn khi vừa phải đáp ứng kịp nhu cầu về số lượng, cơ cấu trình độ, ngành – nghề phù hợp với quá trình phát triển nhanh của nền kinh tế, vừa phải nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với sự thay đổi kỹ thuật công nghệ…”. 

5.JPG
Công nhân Công ty Tokin Electronics trong giờ làm việc



TS. Bùi Quang Xuân cũng cho rằng, CM 4.0 đã và đang tạo ra những thách thức hiện hữu, khó tránh khỏi đối với lao động cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng. Theo đó, công nghệ số mang đến những cơ hội đột phá về năng suất, phát triển nhân lực công nghệ cao kéo theo đòi hỏi về nguồn nhân lực có trình độ. Tuy nhiên trên thực tế, lao động trẻ có chuyên môn kỹ thuật hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu kể cả về số lượng lẫn kỹ năng. Tại Đồng Nai hiện số lượng doanh nghiệp đầu tư khá lớn thế nhưng thực tế nguồn lao động vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, số lao động có trình độ và qua đào tạo vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề, trình độ cao vẫn là bài toán khó đối với doanh nghiệp trong tỉnh. 


Một thống kê đối với ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam cũng cho thấy, ước tính mỗi năm, nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng đều đặn gần 50%, trong khi thực tế với 500.000 ứng viên công nghệ thông tin ra trường chỉ có 8% đáp ứng được nhu cầu này. Điều này cho thấy, chất lượng nguồn lao động có kỹ thuật hiện đang trở thành đòi hỏi bức thiết.

Thách thức với người lao động


Trước thực tế đó, nhu cầu về lao động kỹ thuật tại Đồng Nai cũng “nóng” dần lên khi càng nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Theo Cục Hải quan Đồng Nai, mỗi năm nhập khẩu máy móc thiết bị của các doanh nghiệp của tỉnh đều tăng hơn 10%, trong đó phần lớn là máy móc thiết bị hiện đại. Điều này cho thấy các doanh nghiệp tại Đồng Nai đang chú trọng ứng dụng dây chuyền hiện đại vào sản xuất. Sau 2 năm liên tiếp mở rộng đầu tư, Tập đoàn Bosch (Đức) dự kiến rót thêm 47 triệu USD đầu tư vào Đồng Nai nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giải pháp kết nối cho thành phố thông minh và công nghiệp 4.0.


Còn tại công ty TOKIN Electronics (KCN Loteco), ngay từ năm 2012 doanh nghiệp đã áp dụng các chuyền sản xuất với hệ thống tự động hóa hoàn toàn nhằm tiết giảm nhân công, đáp ứng việc sản xuất linh kiện điện tử có độ phức tạp cao. Ông Phan Tới Thọ Hiệp, Phó phòng Nhân sự công ty cho biết: “Việc dần áp dụng dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại trong sản xuất là điều tất yếu. Nếu như trước đây một chuyền sản xuất có 12 nhân công là lao động phổ thông thì khi ứng dụng tự động hóa chỉ cần có 3 người. Tất nhiên công nhân phụ trách vận hành dây chuyền đòi hỏi phải có kỹ thuật, kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ cơ bản bởi hầu hết các thông tin, thông số kỹ thuật đều bằng tiếng Anh”, ông Hiệp nói.


Theo dự báo của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, nhu cầu sử dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề, kỹ thuật của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng tăng. Tuy nhiên, qua các sàn giao dịch việc làm gần đây cho thấy, rất ít doanh nghiệp tìm được đủ số lượng cũng như chất lượng lao động có tay nghề như mong muốn. Ông Lê Nhật Trường, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Pousung (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) cho biết, những năm gần dây, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa trong sản xuất, do đó đòi hỏi số lượng lớn công nhân kỹ thuật. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao hiện vẫn rất khó khăn. “Lao động có bằng cấp, trình độ chuyên môn kỹ thuật tuyển dụng được rất ít bởi số lượng đối tượng này không nhiều hơn nữa đa phần không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Trước sự thiếu hụt này doanh nghiệp phần lớn phải dựa vào đội ngũ chuyên gia nước ngoài cộng với việc đào tạo công nhân có sẵn”, ông Trường cho hay.


Cũng theo ông Trường, sở dĩ nguồn lao động kỹ thuật hiện vẫn còn khan hiếm bởi công tác đào tạo, hướng nghiệp hiện nay vẫn chưa gắn liền với nhu cầu doanh nghiệp. Trong khi nguồn lao động khối ngành kinh tế như ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh…dôi dư thì lao động kỹ thuật lại “cháy hàng”. Mặt khác, chính người lao động cũng ngại thay đổi, học tập nâng cao trình độ vì sợ mất thời gian, tốn kém tiền bạc…


Trong khi đó, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, việc thiếu trình độ kỹ thuật chính là rào cản lớn đối với người lao động hiện nay. Nếu kỹ năng lao động của công nhân không thay đổi, khả năng mất việc sẽ rất cao. Khảo sát mới đây của Viện Khoa học lao động cho thấy, một số công ty như Canon, May 10… đã nhập một số dây chuyền máy móc hiện đại thay thế cho công nhân. Do đó, khả năng lao động bị thay thế bởi máy móc là rất hiện hữu. Điều này đòi hỏi người lao động nắm bắt và có những thay đổi kịp thời. Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn Vũ Quang Thọ cũng từng nhấn mạnh điều này khi cho biết, đa phần công nhân của Việt Nam chưa qua đào tạo, chủ yếu lao động trong các khu công nghiệp là lao động nông nghiệp, nhiều người trong số đó chưa từng học nghề. “Việc cần làm hiện nay đối với người lao động là phải nhanh chóng tự tích lũy tay nghề hoặc tìm nghề nào để thích ứng với công việc mình đang làm hoặc công việc sắp tới để kéo dài được công việc. Thứ hai là hệ thống an sinh xã hội, phải hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, nhất là BHXH, BHTN để khi những người này rơi vào thất nghiệp thì họ có thể đi học nghề để lo cuộc sống, nếu không gánh nặng về mặt xã hội sẽ ngày càng nhiều lên. Chúng ta cần phải làm và làm ngay để người lao động thích ứng được với những thay đổi của thị trường lao động”, ông Thọ nhấn mạnh. 

Cách mạng công nghiệp 4.0 được định nghĩa là một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, internet kết nối vạn vật (IoT) và internet của các dịch vụ (IoS).


Kỳ tới: Nhân lực trẻ cho Cách Mạng 4.0

Thảo Nguyên/ĐN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *