Doanh nhân – nghị sĩ sẽ mang “sức nóng hội nhập” vào nghị trường

Ông Phạm Đức Bình – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty TNHH Thanh Bình, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần DN trẻ Đồng Nai: Là đại biểu quốc hội, trọng trách của doanh nhân sẽ nặng nề hơn

Bước sang tuổi 46, Phạm Đức Bình đang phấn đấu trở thành “ông trùm nguyên liệu thức ăn gia súc” bằng việc mở hàng loạt các nhà máy chế biến và kho dự trữ thức ăn gia súc tại các vùng nguyên liệu. Trước thềm bầu cử Quốc hội, tâm sự với Doanh Nhân, ông nói:

Trong thời gian khi làm đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai (khoá 1999 – 2004), tôi đã cố gắng làm tốt vai trò của mình, sâu sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cử tri, giám sát các chương trình hành động của tỉnh và đóng góp cho quốc kế dân sinh. Là những người đi nhiều, va chạm nhiều, có nhiều trải nghiệm về mối quan hệ giữa pháp luật, kinh tế và xã hội nên chắc chắn chúng tôi sẽ có những ý kiến đóng góp thiết thực cho những đạo luật của Quốc hội. Trở thành đại biểu Quốc hội là cơ hội để tôi thể hiện lòng yêu nước, tôi tự đặt ra quyết tâm chứng minh cho xã hội thấy vai trò quan trọng của DN đối với sự phát triển chung của đất nước.

– Ông sẽ có những đề đạt, hiến kế gì nếu trở thành đại biểu Quốc hội?

Tôi mang theo nhiều vấn đề cần đề đạt với Quốc hội. Chẳng hạn, những bất hợp lý về thuế thức ăn gia súc hay việc cần thiết điều chỉnh cơ cấu cây trồng, giảm trồng lúa và tăng cường trồng cây bắp, củ mì để khắc phục tình trạng xuất khẩu gạo nhiều nhưng lại phải nhập khẩu nguyên liệu thức ăn gia súc. Rồi chuyện làm sao để giảm giá, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm thịt heo đang chịu thuế VAT tới 2 lần… Chúng ta cần có hành động cụ thể để phát huy hết nội lực của giới DN VN. Cần khích lệ tinh thần của giới DN trẻ để tạo nên một lực lượng DN hùng mạnh. Đã đến lúc xã hội cần phải thay đổi hoàn toàn cách nhìn về doanh nhân và xem sự phá sản của doanh nhân là điều bình thường. Đó sẽ là động lực để chúng tôi mạnh mẽ hơn trước những quyết định dấn thân. Mặt khác, DN rất cần các bộ luật minh bạch và thực tiễn, càng ít nghị định, thông tư hướng dẫn càng tốt, tránh tình trạng chồng chéo… DN phải thể hiện được vai trò trụ cột của kinh tế nước nhà, tạo ra nhiều việc làm hơn, đóng thuế nhiều hơn và làm từ thiện nhiều hơn nữa… Tôi thấy các đại biểu Quốc hội nhiều khi chưa dám phát biểu, đại biểu Quốc hội không thể là những “nghị gật”. Đồng thời, các đoàn đại biểu khi đi giám sát tại các địa phương phải sâu sát hơn nữa trong việc nắm bắt ý nguyện của dân mới có những phản hồi chính xác, kịp thời về Quốc hội…

– Theo ông, một đại biểu Quốc hội trong thời hội nhập cần phải có những phẩm chất gì?

Tôi nghĩ rằng một doanh nhân – nghị sĩ cần mang tinh thần năng động, sáng tạo của DN vào nghị trường, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám nhìn thẳng vào thực tế và không né tránh. Đồng thời cần trung thực, thẳng thắn và không ngại đụng chạm, dám đề đạt nguyện vọng của nhân dân nơi cư trú và giới đại diện. Là đại biểu Quốc hội, doanh nhân sẽ có thêm uy tín nhưng trọng trách sẽ nặng nề hơn bởi trong kinh doanh chúng tôi càng phải minh bạch và mẫu mực. Các doanh nhân là đại biểu Quốc hội cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao trình độ để giúp Quốc hội có những quyết sách kịp thời và cũng là để tự quyết những chính sách liên quan đến vận mệnh của chính mình.

Xin cảm ơn ông!
Kim Huệ – Đặng Hào

Người đam mê

 Đam mê công việc, sống vì công việc. Tính cách bộc trực, làm việc quá sức và luôn mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa – Đó là đôi nét phác hoạ về chân dung Doanh nhân Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐTV kiêm GĐ Công ty CP Ôtô Trường Hải.

Có những đối tác thực sự ngạc nhiên trước một ông TGĐ mà bất cứ phụ tùng, chi tiết nào trên xe, dây chuyền sản xuất loại gì, tỷ lệ ra sao cũng đều nắm một cách rành rọt, nói chuyện chuyên môn luôn với những người thợ, những người phụ trách các sản phẩm đó. Một lần đàm phán xong, GĐ một DN lắc đầu: Tôi không nghĩ là ông Dương lại biết nhiều thế, biết hết, biết đến chi tiết – sợ thật!…

Giờ thì thương hiệu ôtô Trường Hải đã nổi tiếng tại VN với mức tiêu thụ của hàng chục loại xe tải, bus, xe khách… chiếm khoảng 40% thị trường VN. Những sản phẩm này đều được sản xuất, lắp ráp tại nhà máy ôtô Chu Lai – Trường Hải rộng 40 ha với tổng vốn đầu tư trên 20 triệu USD được đầu tư thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất, nhập về từ những quốc gia có nền công nghệ sản xuất ôtô hàng đầu như Mỹ, Đức, Hàn Quốc.

Thương hiệu Trường Hải còn được gắn với hơn 40 đại lý, chi nhánh, những con tàu vận tải biển trong, ngoài nước, với Cty tài chính, ngân hàng, bất động sản, các liên doanh sản xuất phụ tùng… Tất cả những điều đó đều được tạo nên bởi sự lèo lái của một người: Trần Bá Dương. Tôi gọi anh là: Người đam mê.

Trong một lần chuẩn bị thông tin cho những bài viết về Hội nghị quốc tế ôtô tổ chức lần thứ hai tại VN tổ chức năm 2002 – năm mà việc đầu tư vào lĩnh vực ôtô của các DN trong nước đã bắt đầu phát triển, tôi có tìm gặp và làm việc với ông Dư Quốc Thịnh – TTK Hiệp hội kỹ sư ôtô VN. Khi nói về các DN đang làm trong lĩnh vực ôtô cũng như tìm kiếm những định hướng, giải pháp cho sự phát triển của ngành này tại VN, ông Thịnh giới thiệu tôi với anh Dương – GĐ Cty TNHH ôtô Trường Hải, có trụ sở tại Biên Hoà, Đồng Nai. Đương nhiên là chỉ nói và cho số điện thoại mà thôi. Tại hội nghị ấy, Trường Hải là nhà tài trợ chính (trước đây, thường là các liên doanh, cụ thể hơn là Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN – Vama). Trường Hải ư ? Một cái tên tương đối xa lạ đối với tôi và nhiều người, nhất là những người ở miền Bắc. Tôi điện thoại và cũng phải lần thứ 3 thứ 4 gì đó mới có cuộc gặp lần đầu. Tôi hỏi anh về vai trò của các DN ngoài quốc doanh, của các DN tư nhân làm ôtô, có nên làm hay không, có làm được không?… Có lẽ, đó cũng là một vấn đề nhạy cảm vào thời điểm đó. Và cũng có lẽ tôi là người đầu tiên trong “làng báo” đặt vấn đề đó với anh và anh thử xem tôi có thực sự quan tâm đến nó hay không…

Trước anh, tôi đã gặp nhiều người làm trong lĩnh vực ôtô, xe máy, nhưng có lẽ cái cách gặp, cách nói của lần đầu gặp nhau về ngành ôtô VN của Trần Bá Dương tôi chưa từng thấy ở ai trước đó. Không dè chừng (mà có lẽ chẳng có gì để mà dè chừng), anh nói nhiều, lúc say sưa, lúc gay gắt nhưng khúc chiết
Dây chuyền lắp ráp ôtô hiện đại của Trường Hải
và rõ ràng, phần nào ra phần đấy. Đôi lúc, trong cuộc nói chuyện tôi cứ nghĩ anh là nhà nghiên cứu thì đúng hơn, chứ không phải như những DN, doanh nhân trước đó tôi từng gặp. Anh khẳng định nên khuyến khích DNTN đầu tư vào lĩnh vực ôtô. Họ đóng vai trò quan trọng và họ sẽ làm được nếu biết định hướng, khuyến khích và chính bản thân mỗi DN phải biết tự mình có làm được hay không… Tôi biết anh đam mê, nhưng chưa tin những gì anh nói, bởi đó chỉ là những gì anh nói. Để chứng thực anh mời tôi vào thăm nhà máy.

Một tuần sau, tôi có mặt tại Nhà máy ôtô Trường Hải, Biên Hoà, Đồng Nai. Tôi đã từng đi thăm nhiều nhà máy, trong nước có, nước ngoài có nhưng ấn tượng ban đầu khi vào trong khuôn viên rộng hơn 40.000 m2 là sự sắp xếp, bố trí hệ thống, khoa học, bài bản, ai vào việc nấy. Kho phụ tùng, xưởng cơ khí, gò hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra, bãi xe thành phẩm, văn phòng, nhà ăn và khu học tập theo một quy trình khép kín không chê vào đâu được. Trần Bá Dương dẫn tôi đi theo đúng trình tự, quy trình đó, vừa giới thiệu từng công đoạn cụ thể, làm gì, sản phẩm nào… với sự say sưa hiếm có. Thỉnh thoảng anh dừng lại cầm dụng cụ chỉ dẫn, giải thích cho một vài công nhân từng động tác, từng chi tiết. Tôi hơi ngạc nhiên bởi hầu như cái gì anh cũng biết, cũng làm được, mà biết làm một cách cặn kẽ, khoa học, có hệ thống. Khi dẫn tôi đi giới thiệu thiệu xong các công đoạn thì cũng là lúc tay anh lấm lem đầy dầu mỡ, nhưng khuôn mặt vẫn luôn tươi cười. Thú thực, đến thời điểm đó, tôi chưa gặp một ông sếp nào như vậy. Sau này tôi mới biết, hoá ra anh là một trong những sinh viên ưu tú tốt nghiệp khoa cơ khí ĐHBK TP HCM. Nhưng, như chính sự đúc kết của anh thì cái bằng tốt nghiệp đó sẽ không còn giá trị giúp anh có được ngày hôm nay nếu không có sự đam mê trong công việc, không lăn lộn, không bị sai vặt, quát nạt, không có kinh nghiệm của những người thợ đi trước truyền lại. Tốt nghiệp đại học xong, bản thân anh đã từng phải đi móc mỡ bò, sửa chữa xe lưu động với cờ lê, mỏ lết, với tiêu chí chỗ nào cần là có mặt, là làm được. Nói như vậy, không có nghĩa là vứt đi những kiến thức đã học trong trường. Chính môi trường thực tiễn, vất vả, khó khăn đó đã giúp cho Trần Bá Dương phát huy được những kiến thức đã học trong trường bằng hàng loạt cải tiến cụ thể trong lĩnh vực ôtô. Đầu tiên là những cải tiến nhỏ trong những công đoạn đơn giản, rồi lớn dần lên với những công việc phức tạp, những dây chuyền, công nghệ…

Sự đam mê của Trần Bá Dương tôi biết, liệu có phải cũng do điều ấy khiến anh trăn trở, già trước tuổi. Trong một lần bay cùng anh vào nhà máy ở Chu Lai thời kỳ đang xây dựng, hỏi điều đó, anh cười: Không đam mê không làm được đâu chú ơi. Làm đây là làm thiệt, làm ôtô tại VN. Cái đó ngấm vào máu rồi, không bỏ được. Có những lần gặp nhau, hẹn với nhau không nói về ôtô nữa cho đầu óc thảnh thơi, nhưng chỉ được một hai câu đầu rồi đâu lại quay về đấy, lại ôtô. Anh em lại cùng cười – À quên! Tôi biết anh nói rất thật. Trong những ngày xây dựng nhà máy ở Chu Lai, một mình anh phải điều hành ba bốn Cty, quan tâm đến từng công việc cụ thể trong xây dựng nhà máy, đàm phán về công nghệ, thiết bị, hầu như không được ăn cơm nhà, ngồi máy bay nhiều hơn ngồi mặt đất đến mức bây giờ mỗi lần ăn cơm, anh ăn rất nhanh. Hỏi tại sao? Anh cười: Ăn cơm máy bay nó quen rồi. Anh bảo, nếu không đam mê tớ nghỉ đi chơi lâu rồi. Tiền gửi ngân hàng vợ con ăn cả đời, tiêu cả đời cũng chả hết. Đúng là ngấm vào máu. Nhiều người bảo công việc đang rất tốt, nhà to đùng giữa TP HCM, tiền thoải mái, việc quái gì phải chịu khổ sở ra tận Chu Lai xây dựng nhà máy. Hỏi anh, anh bảo kệ họ. Họ nói cũng đúng, nhưng không làm không chịu được. Khổ, mà càng làm càng nhiều việc, cứ mỗi ngày một phình to, mở rộng ra. Có lẽ như vậy với Trần Bá Dương mới là sở thích, là thành công

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *