Đóng cửa KCN Biên Hòa 1 vào cuối năm 2022
KCN Biên Hòa 1 hình thành từ năm 1963, tổng diện tích 335 ha. Mỗi ngày các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây xả hơn 9.000m3 nước thải, trong đó chỉ có hơn 1.000m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, phần còn lại được các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Chính vì vậy, hoạt động của KCN này gây rất nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường đối với sông Đồng Nai.
Chính vì vậy, từ năm 2009, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng KCN này. Năm 2014, Chính phủ cũng đồng ý giao cho UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện phê duyệt Đề án di dời và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 do Tổng công ty Sonadezi thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường phát biểu tại buổi làm việc
Mặc dù vậy, sau gần 5 năm được giao, đến nay đề án vẫn chưa được UBND tỉnh phê duyệt do Sonadezi chưa thể hoàn thiện. Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sonadezi cho hay, trong thời gian thực hiện đề án, do các quy định pháp luật về đất đai, đầu tư có nhiều thay đổi nên đề án phải liên tục sửa đổi, bổ sung. “Mỗi lần có luật hay quy định mới, chúng tôi lại phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung khiến đề án bị chậm”, bà Hằng cho biết.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, trong quá trình thực hiện, do chưa xác định rõ tính cấp thiết đã dẫn đến việc lập đề án rơi vào cảnh loay hoay. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, công việc đầu tiên không phải là sẽ triển khai chuyển đổi công năng thành cái này, cái kia mà đầu tiên là phải xác định được thời gian đóng cửa KCN Biên Hòa 1. “Đến thời hạn nào thì toàn bộ hoạt động của KCN này dừng. Đây mới là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp buộc phải di dời, chứ nếu không họ cứ loay hoay, không chịu di dời”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nói.
Đồng tình với nhận định này, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho rằng để thực hiện được đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thì phải đưa ra được thời điểm đóng cửa hoạt động của KCN này, phải có mốc thời gian để các doanh nghiệp biết đến ngày nào, giờ nào thì phải ngừng hoạt động. “Chúng ta phải thực hiện bồi thường cho doanh nghiệp, những doanh nghiệp có đủ điều kiện hoạt động tại các KCN khác thì di dời, không đủ điều kiện thì đóng cửa. Phải chốt được mốc thời gian, thông báo cho các doanh nghiệp, các Bộ, ngành và Chính phủ đến thời điểm đó sẽ đóng cửa”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, thời gian qua, việc xây dựng đề án di dời, chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thực hiện rất chậm. Trong khi nhu cầu đóng cửa KCN này là rất cấp bách. “Hơn 1 triệu người dân TP. Biên Hòa phụ thuộc vào nước sông Đồng Nai. Hiện nhà máy nước sạch cũng đặt gần đấy, nước từ KCN Biên Hòa 1 chảy xuống gây ô nhiễm. Tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân kêu than nhiều lắm. Dù không thể đẩy hoàn toàn trách nhiệm cho các doanh nghiệp và KCN Biên Hòa 1 nhưng việc chậm trễ đã ảnh hưởng đến môi trường, nhất là nước sông Đồng Nai”, Bí thư Tỉnh ủy cho biết.
Chính vì vậy, theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, Đồng Nai sẽ chốt thời điểm đóng cửa hoạt động của KCN Biên Hòa 1 để các doanh nghiệp chuẩn bị di dời. Bởi, chỉ có thực hiện đóng cửa hoạt động thì việc chuyển đổi công năng KCN này mới tiến nhanh được. “Đến ngày 31-12-2022 phải đóng cửa hoạt động KCN Biên Hòa 1. Đây là thông điệp để các doanh nghiệp trong diện di dời chuẩn bị thực hiện”.
Đã đến lúc kết thúc “sứ mệnh lịch sử” KCN Biên Hòa 1 Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, KCN Biên Hòa 1 hình thành năm 1963, đến nay đã trải qua 55 năm phát triển. KCN này đã đóng góp rất nhiều cho ngân sách của tỉnh Đồng Nai và cả nước, giải quyết nhiều lao động nhưng “sứ mệnh lịch sử” đã hết nên phải tính toán di dời, đóng cửa. |
Gỡ 2 “nút thắt” cuối
Theo như đề án của Sonadezi, hiện các công tác như tìm địa điểm di dời, hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp di dời đã được lên phương án cụ thể. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2 vướng mắc chính khiến đề án gặp trở ngại là chính sách hỗ trợ di dời và phương án sử dụng đất sau di dời.
Một góc KCN Biên Hòa 1. Việc di dời KCN này sớm sẽ giúp bảo vệ môi trường nhất là nguồn nước sông Đồng Nai
Thống kê của Sở Tài nguyên – môi trường (TN-MT) cho thấy, hiện có 7 doanh nghiệp tại KCN Biên Hòa 1 ký hợp đồng thuê đất trực tiếp với Sở. Trong đó, có 4 doanh nghiệp đã hết thời hạn thuê đất. Hiện Sở TN- MT đã thu hồi một trường hợp và thông báo không tiếp tục gia hạn thời hạn thuê đất đối với 3 doanh nghiệp khác. 3 doanh nghiệp còn lại vẫn còn thời hạn thuê đất nhưng đã được thông báo chủ trương di dời của tỉnh. Ngoài ra, hiện có 75 doanh nghiệp ký hợp đồng thuê lại đất của Sonadezi, trong đó có 33 doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khác thuê lại đất. Đặc biệt, trong số các doanh nghiệp hoạt động tại KCN Biên Hòa 1, hiện có đến 40 doanh nghiệp còn hợp đồng thuê đất có thời hạn đến năm 2051.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, để thực hiện nhanh việc di dời, đối với các doanh nghiệp hết thời hạn di dời thì phải chấm dứt cho thuê và thu hồi đất. Đối với các doanh nghiệp còn thời hạn thuê đất thì phải đưa vào danh sách thực hiện bồi thường để họ sớm di dời. “Chúng ta phải tính toán và bồi thường cho tốt để thực hiện”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Về phương án sử dụng đất sau di dời, Giám đốc Sở TN- MT Đặng Minh Đức cho biết, hiện tại KCN Biên Hòa 1 có 2 dạng đất được thu hồi. Thứ nhất, đất thu hồi của người dân sống trong vùng dự án sẽ do Sonadezi tiến hành bồi thường, thu hồi. Sau đó, sẽ thực hiện chuyển đổi mục đích và giới thiệu nhà đầu tư. Riêng diện tích đất thu hồi từ các doanh nghiệp, về bản chất là đất công nên hiện Sở này đang nghiên cứu, rà soát phương án đấu thầu hay giao nhà đầu tư.
Tuy nhiên theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương không thực hiện đấu giá mà giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Bởi, đây là việc thực hiện chuyển đổi KCN gây ô nhiễm để đảm bảo phát triển đô thị của TP. Biên Hòa nên theo quy định là được quyền giao cho Sonadezi là đơn vị đang sử dụng đất chuyển đổi mục đích để đầu tư dự án mà không phải đấu giá.
Tổng mức đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng Theo đề án mới được bổ sung của Sonadezi, tổng mức đầu tư dự án di dời và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 là hơn 15.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị hơn 2.400 tỷ đồng; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 7.500 tỷ đồng;chi phí hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gần 1.300 tỷ đồng… Lộ trình thực hiện dự án được chia làm 3 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 từ 2018 – 2020 xây dựng khu vực phía Tây Nam và một phần phía Đông Bắc dự án với diện tích hơn 59 ha; giai đoạn 2 từ 2021 – 2023 xây dựng khu vực phía Tây dọc bờ sông Cái, khu vực trung tâm giáp với trục cảnh quan chính và khu vực Đông Bắc có diện tích hơn 152 ha; giai đoạn 3 đầu tư xây dựng hoàn thiện các khu vực còn lại có diện tích hơn 112 ha. Để thực hiện dự án sẽ thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư cấp 1 do Sonadezi là cổ đông nắm quyền chi phối, chiếm 51% vốn điều lệ. |
Theo Phạm Tùng/laodongdn