Chinh phục khách hàng Nhật

Để trở thành một nhà sản
xuất cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản là chuyện không đơn
giản, bởi khách hàng Nhật nổi tiếng đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, sản phẩm
phải đạt chất lượng đến mức hoàn hảo.

Ông Lê Trí Minh đang kiểm tra sản phẩm tại xưởng sản xuất.


Ở phường Long Bình,
TP.Biên Hòa có một DN điện – điện tử nhỏ đã làm được điều đó và đang là đối tác
cung cấp hàng cho các công ty điện tử của Nhật Bản tại Việt Nam, đó là Công ty
TNHH một thành viên Đại Á Thành.

* Hướng đến sự hoàn hảo

Đưa cho chúng tôi xem
một sợi dây điện được gắn các giắc cắm dùng cho chiếc tủ lạnh, ông Lê Trí Minh
(Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đại Á Thành) giới thiệu: “Sợi dây trông
đơn giản nhưng để hoàn chỉnh nó và đạt chất lượng cho khách hàng Nhật Bản rất
khó. Bề mặt ngoài của vỏ dây phải giữ được độ nhẵn bóng không trầy xước, vỏ có
khả năng chịu nhiệt cao, khi gắn vào giắc cắm các sợi lõi đồng không bị dập và
tổn thương”.

Thăm nhà máy sản xuất
của ông mới thấy công nhân làm việc trong từng công đoạn phải tập trung rất cao
để sản phẩm gần như không được phép xảy ra lỗi. Do đó, tuy là một DN khá nhỏ,
chỉ vài chục người nhưng được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu
chuẩn ISO 9001:2008.

Ông Minh cho biết trước
khi ký hợp đồng sản xuất, đối tác đã đến kiểm tra rất nhiều lần về năng lực,
sau đó sản xuất thử liên tục tới vài tháng. Không chỉ cung cấp dây điện mà DN
ông còn thực hiện cả các bo mạch cho  máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt. Khách
hàng chính của Đại Á Thành hiện nay là Công ty Sanyo Việt Nam và một số công ty
Nhật Bản khác chuyên về sản phẩm điện gia dụng. Ông Minh rất hiểu về những
nguyên tắc an toàn, chất lượng cũng như văn hóa chịu trách nhiệm từ những việc
nhỏ nhất. “Mỗi bộ dây điện công ty chúng ta sản xuất chỉ có giá hơn 3 ngàn
đồng, rất rẻ. Thế nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, không được phép có lỗi,
bởi chỉ một trục trặc nhỏ do lỗi dây điện nó có thể làm cháy hỏng cả một chiếc
tủ lạnh trị giá cả 10 triệu đồng” – đó là những dặn dò của ông Minh với công
nhân của mình.    

* Khởi nghiệp với 18
triệu đồng

Sau gần 10 năm đi làm
cho công ty nước ngoài, ông Minh gom góp được gần 2 tỷ đồng để hùn hạp làm ăn.
Sau mấy năm bị thất bại, toàn bộ vốn liếng đã “bốc hơi” hết ông Minh trở về với
bàn tay trắng. Năm 2009, ông quyết tâm khởi nghiệp trở lại. Trong tay có 18
triệu đồng, ông đi vay thêm 4 triệu đồng nữa cho đủ tiền mua được 4 chiếc máy
cơ khí đơn giản.

Đến nay dù đã được thay
thế bằng máy móc mới nhưng ông vẫn giữ lại 4 chiếc máy ban đầu làm kỷ niệm.
Chuyện khởi nghiệp của ông cũng đầy những gian nan, là DN mới nên lượng hàng
cũng không đều, có thời điểm tới 3 tháng ông không nhân được hàng để sản xuất,
ông phải mượn cả bộ nữ trang của vợ bán đi lấy tiền trả lương công nhân. Lúc
này, ông phải nhận cả những công việc phụ khác là đóng gói hộp kẹo để duy trì
việc làm cho công nhân. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất, nhưng sản phẩm bo
mạch và dây điện của công ty ông vẫn giữ được chất lượng tốt đã từng bước chinh
phục được khách hàng Nhật Bản, khó khăn dần dần lùi xa. Đến nay, ông Minh đang
xây dựng phương án sản xuất dây điện cung cấp cho các công ty lắp ráp ô tô
trong nước.

Theo Khắc Giới/ĐN

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *