Bên cạnh các ý tưởng kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều ý tưởng khởi nghiệp đã để lại ấn tượng cho Ban giám khảo thông qua ý nghĩa xã hội mà các tác giả hướng tới. Trong đó, gây ấn tượng mạnh nhất là ý tưởng “Cửa hàng trang sức bạc dành cho phái nữ” của Trần Quang Mạnh – một thanh niên khiếm thính. Quang Mạnh cho biết, những người khuyết tật rất khó tìm kiếm việc làm, từ đó dễ gây ra sự bất mãn trong cuộc sống cũng như gánh nặng cho gia đình, xã hội. Là người cùng cảnh ngộ, ý tưởng kinh doanh của Mạnh mong muốn được giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh. Với “vốn liếng” 5 năm trong nghề thợ bạc, Mạnh vạch ra kế hoạch kinh doanh chi tiết từ một cửa hàng trang sức bạc đến thành lập doanh nghiệp tư nhân và dạy nghề cho người khuyết tật.
Đó là ý tưởng nghiêm túc khi Mạnh dành nhiều thời gian nghiên cứu thị trường cũng như kế hoạch dài hơi cho dự án. Theo đó, cửa hàng trang sức hướng đến đối tượng có thu nhập tầm trung, với số vốn ban đầu khoảng 200 triệu đồng. Mạnh cũng đã lập trang Facebook giới thiệu sản phẩm, trong đó nhiều sản phẩm do anh tự thiết kế cũng như theo yêu cầu của khách hàng. Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Đỗ Thị Tú Anh đánh giá cao ý nghĩa xã hội, tính nhân văn sâu sắc của dự án và cho rằng có thể áp dụng hình thức gọi vốn cộng đồng cho dự án này. Theo bà Tú Anh, dự án đã chú trọng đến lộ trình, tính bền vững, điều mà không phải dự án khởi nghiệp nào cũng làm được. Còn theo Tổng giám đốc Tổng công ty Dofico Nguyễn Hữu Hiểu, dự án đã được tính toán khá chi tiết, phù hợp với năng lực của tác giả. Tuy nhiên, bất cứ dự án khởi nghiệp nào cũng cần tạo ra sự khác biệt, do đó tác giả cần chú trọng đến yếu tố thủ công, độ tinh xảo của sản phẩm để tạo ra điểm nhấn, cũng như làm lan tỏa được ý nghĩa xã hội của dự án.

Nhóm tác giả trình bày ý tưởng khởi nghiệp trước Hội đồng giám khảo trong đêm thi chung kết
Xuất phát từ thực trạng trẻ em đuối nước trong thời gian qua, nhóm tác giả Đỗ Thị Ngọc và Nguyễn Ngọc Trinh (huyện Trảng Bom) đã nảy sinh ý tưởng kinh doanh “Hồ bơi nổi” phục vụ việc tập bơi cho trẻ. Theo nhóm tác giả, mỗi năm có hàng trăm trẻ em tử vong do đuối nước, nhất là vùng nông thôn, trong khi việc phổ cập bơi trong nhà trường vẫn rất khó khăn. Dự án hồ bơi nổi hy vọng đáp ứng nhu cầu bức thiết đó. Theo tính toán, vé vào cổng sẽ là 20.000 đồng/người, có khoảng 126.000 lượt khách/năm với doanh thu trên 1 tỷ đồng cho năm đầu tiên. “Hồ bơi có sự khác biệt với thành phần muối 30% đủ để làm nổi các vật trong hồ. Điều này sẽ làm giảm cảm giác sợ hãi của trẻ khi tập bơi. Nhóm cũng đã tiến hành khảo sát trên 500 người với tỷ lệ trên 88% cho biết thích dịch vụ hồ bơi nổi”, Ngọc Trinh cho biết.
Ý tưởng khởi nghiệp của Ngọc và Trinh cũng được Ban giám khảo đánh giá cao bởi dịch vụ mới lạ và ý nghĩa xã hội thiết thực. Tuy nhiên, dự án liên quan đến yếu tố kỹ thuật, hạ tầng nên nhóm cần lên phương án quản lý rủi ro cũng như quản lý nhà cung cấp thiết bị. “Ngoài tính toán kỹ các phương án kỹ thuật, nhà cung cấp thiết bị tin cậy, nhóm cần giữ giá trị xã hội cốt lõi để thu hút nhà đầu tư và các nguồn lực xã hội cùng tham gia. Đặc biệt là hãy giữ cho mình tinh thần nhiệt huyết những ngày đầu khởi nghiệp”, bà Tú Anh nhấn mạnh.
Cần chú trọng thu hút khách hàng
Trong số 10 ý tưởng khởi nghiệp tranh tài ở vòng chung kết, có nhiều dự án cung cấp các loại hình dịch vụ từ quy mô gia đình đến xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban giám khảo, nhiều tác giả chỉ nhấn mạnh đến lợi ích và hiệu quả kinh tế của dự án mà chưa chú trọng đến giải pháp thu hút khách hàng, yếu tố cốt lõi mang đến lợi nhuận. Tiêu biểu như ý tưởng “Dịch vụ sinh trắc dấu vân tay và đào tạo kỹ năng” của tác giả Phan Xuân Mạo (TP. Biên Hòa). Đây là dịch vụ khá mới lạ tại TP. Biên Hòa hướng đến cung cấp thông tin, hỗ trợ các bậc phụ huynh trong việc phát hiện và định hướng những thế mạnh của con em mình. Theo đó, thông qua việc sinh trắc dấu vân tay và tư vấn trực tiếp, phụ huynh biết được con mình mạnh ở mặt nào, từ đó có thể giảm được chi phí các khóa học không cần thiết, tránh cho con học sai ngành nghề. Hạn chế của ý tưởng là giá dịch vụ khá cao (gần 4 triệu đồng/lần), đồng thời tác giả lại chưa có phương án thu hút khách hàng cụ thể. Đó cũng là hạn chế tương tự với dự án “Sản xuất chả giò sạch” của tác giả Trần Thị Hà. Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm, sản phẩm mới chỉ dừng lại ở việc thu hút qua lòng tin, “truyền miệng”, chưa xác định được kế hoạch phát triển khách hàng cũng như sản lượng qua các thời kỳ. Bên cạnh đó, yếu tố sản phẩm sạch chưa rõ vì mới dừng lại ở việc không sử dụng các chất phụ gia, bảo quản mà chưa kiểm soát được đầu vào là chất lượng thịt từ khâu chăn nuôi đến giết mổ.
Với những ý kiến, góp ý thẳng thắn từ Ban giám khảo, các tác giả đã thu được những bài học quý trong hành trình khởi nghiệp. “Sau khi được chỉ ra những “lỗ hổng”, em thấy ý tưởng của mình cần phải nghiên cứu và hoàn thiện hơn nữa”, Phạm Thành Đông Đô, tác giả của ý tưởng “Hệ thống nông nghiệp công nghệ cao Happy seed” cho biết.
Tại buổi thi chung kết, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường kêu gọi đoàn viên, thanh niên mạnh dạn tham gia khởi nghiệp. Điều quan trọng không phải là giải thưởng mà các bạn trẻ được sống với ước mơ của mình, có cơ hội trải nghiệm và rèn luyện cho chặng đường dài phía trước. Anh Nguyễn Cao Cường khẳng định, Tỉnh đoàn cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ và đồng hành cùng thanh niên; đồng thời vận động các nguồn lực, tổ chức xã hội cùng chung tay xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, 10 ý tưởng tham gia vòng chung kết cuộc thi “Thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp” tỉnh Đồng Nai đã thể hiện được sự sáng tạo cũng như ý chí, khát khao khởi nghiệp mạnh mẽ của nhiều người trẻ ở Đồng Nai. Dự kiến, Ban tổ chức sẽ trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba, 3 giải khuyến khích, 1 giải phụ do cộng đồng bình chọn và 2 giải cá nhân xuất sắc với tổng giải thưởng gần 80 triệu đồng. Kết quả sẽ được công bố và trao thưởng vào dịp tổng kết các hoạt động chào mừng Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ IX.
|